Bảng đo mắt cận có đèn hay không đèn tốt hơn?

Bảng đo mắt cận có đèn hay không đèn tốt hơn?

Bảng đo mắt cận hay còn được biết đến là bảng đo thị lực, là một dụng cụ không thể thiếu trong mỗi quy trình kiểm tra thị lực. Với những ai từng đi khám thị lực mắt thì hẳn là không còn xa lạ gì với bảng đo mắt cận. Tuy nhiên có lần bạn được khám với loại bảng này, nhưng có lần bạn lại được khám với loại bảng khác. Bạn đã từng thắc mắc: bảng đo mắt cận có những loại nào? Sử dụng loại bảng nào thì tốt hơn? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé.

Bảng đo mắt cận có những loại nào?

Bảng đo mắt cận gồm 4 loại phổ biến: Bảng hình vòng tròn hở, bảng hình chữ E, bảng hình chữ cái/chữ số, bảng hình con vật.

Một đặc điểm chung của cả bốn loại bảng trên là các ký hiệu trên bảng được sắp xếp thành nhiều hàng với kích thước giảm dần từ trên xuống dưới. Người được kiểm tra thị lực thường đứng ở vị trí cách bảng khoảng 5 – 6 m, tùy loại bảng. Để tiết kiệm thời gian khám thì bác sĩ kiểm tra thường bắt đầu với những hàng ở giữa bảng, nếu người được khám đọc đúng thì bác sĩ sẽ tiếp tục với các hàng chữ phía dưới, ngược lại thì sẽ tiếp tục với các hàng phía trên cho đến khi xác định đường hàng nào là giới hạn nhìn cuối cùng mà người được khám có khả năng nhìn được rõ. Khi kiểm tra mắt trái thì người được kiểm tra bịt mắt phải hoặc sử dụng bảng che mắt cầm tay để che mắt phải và ngược lại. Kết quả kiểm tra mắt khi dùng bảng thị lực hiện nay thường được ghi dưới dạng: MP: x/10 MT: x/10, x tương ứng với hàng nhỏ nhất mà người có nhu cần kiểm tra mắt có thể nhìn rõ được. Người có thị lực 10/10 là người có khả năng nhìn rõ được chữ với cỡ chữ là 7,5 mm, nét chữ 1,5 mm từ khoảng cách là 5m.

Bảng đo mắt cận

Bảng đo mắt cận hình vòng tròn hở (Bảng thị lực Landolt) : Các ký hiệu sử dụng trên bảng là những vòng tròn hở. Phần hở của vòng tròn xoay theo các hướng khác nhau. Trên – dưới, trái – phải. Nhiệm vụ của người được kiểm tra mắt là xác định phần hở của vòng tròn là ở đâu.
Bảng đo mắt cận hình chữ E (Bảng thị lực Armaignac): Các ký hiệu sử dụng trên bảng là chữ E, được xoay theo các hướng khác nhau. Tương tự như bảng đo mắt cận hình vòng tròn hở thì người được khám mắt cũng cần xác định xem chữ E xoay theo hướng nào, trên hay dưới, trái hay phải.
Bảng đo mắt cận chữ cái (Bảng thị lực Snellen): Đúng theo tên gọi, các ký hiệu sử dụng trên bảng đo mắt cận chữ cái là các chữ cái. Khác với các loại bảng khác, loại bảng đo mắt cận này chỉ sử dụng riêng cho đối tượng là những người biết chữ.
Bảng đo mắt cận hình con vật (Bảng thị lực hình): Loại bảng này hiển thị hình các con vật và được sắp xếp thành các hàng với kích thước nhỏ dần từ trên xuống dưới. Người được khám mắt cần chỉ ra được con vật mà người khám chỉ là gì. Loại bảng này phù hợp để khám cho trẻ nhỏ chưa biết chữ.

Bảng đo mắt cận hình ảnh
Ngoài phân loại theo tiêu chí là các ký hiệu hiển thị trên bảng, bảng đo mắt cận thị còn được chia thành loại có đèn và loại không có đèn.

Vậy bảng đo mắt cận có đèn hay không đèn tốt hơn?

Để kết quả khám thị lực được khách quan và chính xác thì một trong các yếu tố cần được đảm bảo chính là độ sáng của bảng đo mắt cận. Độ sáng trung bình chiếu vào bảng đo mắt cận phải được duy trì ở mức khoảng 100 lux. Chính vì vậy ngày càng nhiều cơ sở sử dụng bảng đo mắt cận có đèn thay thế cho loại bảng đo mắt cận không đèn.
Việc sử dụng bảng đo mắt cận có đèn giúp cho lượng ánh sáng chiếu trên bảng không bị phụ thuộc vào những nguồn sáng xung quanh như ánh sáng tự nhiên hay ánh sáng đèn trong phòng. Chính vì vậy mà hạn chế được sự tác động từ thời tiết hay các yếu tố như độ mạnh/yếu của nguồn điện lên kết quả kiểm tra thị lực.